Lần thứ hai tới Huế, mình may mắn có các bạn thổ địa và Thực Thần (thần Ăn) của Huế dẫn đi chơi nên có được tour du lịch ẩm thực Huế mà Google cũng chào thua hihi vì tour này được thiết kế theo sở thích và thời gian phù hợp.
Độc đáo mà đa dạng. Tinh tế mà dân dã. Xinh xắn mà đậm đà. Ẩm thực Huế vừa có sắc riêng lại có sắc chung. Vừa là người của công chúng mà lại vừa kín đáo khiêm nhường. Sự đan xen ấy đã tạo nên dấu ấn khó quên mà ai đến Huế cũng mê.
Ông Thần Ăn nhà mình là mê nhất. Vì vậy nên bạn nên chuẩn bị tinh thần khi cùng mình trải nghiệm ẩm thực Huế gói ghém trong 01 ngày nhé. Tốt hơn hết là nên ăn cái gì đó trước khi đọc. Nào mình cùng bắt đầu!
7h sáng: Bún bò Huế hoặc cơm Hến, bún Hến
Bún bò
Đây là món ăn ai đến Huế cũng phải thử vì bún bò Huế đã nổi tiếng nhưng ở Huế còn đặc biệt hơn các chỗ khác. Sợi bún nhỏ chứ không to. Bún bò có thể ăn kèm giò heo hoặc ba chỉ. Mỗi hàng bún lại có một vị khác nhau nên hỏi là ở đâu có hàng bún bò ngon nhất Huế thì cũng khó trả lời vì nói thật là hàng nào cũng có vị ngon riêng. Ở Huế người ta ăn "bún ngồi" (theo cách gọi của người Hà Nội) vì có thể kêu tô bún rồi bưng bát ngồi ăn bình thường, không cần bàn ghế chi hết.
Tớ được thử hàng bún bò Mệ Kéo. Công cuộc săn mệ Kéo bắt đầu từ 7h30 sáng. Mệ ngồi lọt thỏm trên chiếc xe xích lô với đủ đồ nghề bán bún. Ông xích lô cứ cười cười bảo "O này săn mệ từ ngoài cầu đến giờ". Đến nơi bán bún đã thấy hơn chục người ngồi chờ. Ấy mà chờ cũng chả có ích gì vì bún ở quán này là tự phục vụ. Ai ra kêu trước thì được trước. Không có ai ra mời chào ăn bún cả.
Mệ Kéo ngồi lọt thỏm trên chiếc xe xích lô cùng đồ nghề bán hàng
Mẹ Kéo đây rồi!
Mệ đã sẵn sàng bán hàng chỉ sau 5 phút!
Tô bún chỉ nhỏ bằng nửa tô bún trên Sài Gòn. Khi ăn thì ăn kèm rau sống và nước mắm với ớt xanh đặc trưng của Huế.
Cơm hến
Ăn bún chưa no, mình tiếp tục tìm đến với cơm hến và bún hến. Đây là món đặc trưng thứ hai phải thử khi đến Huế. Món này hơi kén người ăn vì vị khá là đặc trưng, không phải ai cũng thích. Mình đến Huế vào tháng 11, trời bắt đầu trở lạnh. Buổi sáng ra ăn tô cơm hến chan nước hến nóng thơm, sướng! Buổi tối lạnh hơn, ngồi quây quần bên gánh cơm hến với nước hến bốc lên nghi ngút cũng thấy hấp dẫn rồi.
Tô cơm hến hấp dẫn
Tô cơm hến là tổng hòa của nhiều nguyên liệu: rau bạc hà (hay còn là dọc mùng), rau sống, chuối bào, khế, đậu phộng (lạc), tóp mỡ, ớt, hến, nước hến, tói phi thơm, mỡ, mè, ruốc (gần giống mắm tôm) và một số gia vị khác (mì chính hoặc nước mắm đường). Trong đó mình nghĩ cơm hến mà không có rau thì không còn gì đặc biệt! Ấy thế mà nhiều người ăn cơm trộn không có rau mà vẫn thấy ngon. Đúng là tùy khẩu vị. Người Huế yêu cơm hến đến nối mỗi lần về quê đều gói ghém mang ra Sài Gòn bằng cách cho nước hến vào chai nước suối đóng chai rồi gửi hành lý! Về đến Sài Gòn thì hâm lại nước hến và ăn ngon lành :)
Nguyên liệu làm cơm hến
Ớt và ruốc - hai gia vị không thể thiếu trong cơm hến
Trong thời gian ở Huế mình cũng được thử nhiều quán cơm hến có tiếng nhưng trong đó mình thích nhất quán Nhỏ. Cơm làm ngon, chuyên nghiệp, quán rộng rãi ở trong nhà không phải ở ngoài đường như các quán khác. Nếu bạn không thích ăn cơm thì hoàn toàn có thể thay bằng bún hoặc thậm chí bằng mì tôm! Tuy nhiên bún hến và mì tôm hến thì không ăn có nước hến nên sẽ hơi lạnh :).
Người Huế thích tóp mỡ! Gọi riêng cả tô tóp rồi trộn với ớt và ruốc để ăn cùng!
Giá bún bò: 25k/tô đặc biệt. Địa điểm: quán bún bò mệ Kẹo trên đường Bạch Đằng (ngay chân cầu rẽ xuống). Ăn sáng.
Giá cơm hến: 6-10k/tô cơm. Quán Nhỏ trên đường Phạm Hồng Thái.
Cà phê thưởng Chim
Cà phê ở Huế có đặc điểm là có vẻ như rất theo chủ đề: chim cảnh, đánh cờ...Chủ nhật trên đường Lê Thánh Tôn có quán cà phê chim, chuyên thi chim chào mào! Các chú chim đỏm dáng thi nhau hót líu lo, rộn rã cả góc đường. Các chủ chim thì nhã hứng ngồi xem 2 chú chim thi với nhau xem chú nào khỏe hơn (chứ không phải hót hay hơn :))). Nói chung cũng là một cái thú cuối tuần.
Ngoài ra thì bạn có thể vô quán Tứ Phương Vô Sự Lâu ở Đại Nội để ngồi uống cà phê luôn ở trong thành! Quán này sử dụng mặt bằng chính là một di tích lịch sử nên người dân địa phương cũng hết sức ý kiến mà không thay đổi được gì. Mình cũng chưa kịp vô để ngắm cảnh nên miễn bình luận.
Thật ra thì bọn mình không có thời gian đi uống cà phê vì ông Thần Ăn chỉ muốn đi ăn nên đành chiều.
Nếu bạn còn trẻ và muốn thử cà phê cóc Huế thì ra khu Phạm Hồng Thái ăn sáng cơm hến xong thì đi bộ ra ngoài uống cà phê vỉa hè cùng các bạn teen. Hệt như cà phê cóc sáng ở Hà Nội!
11-12h trưa: ăn cơm nhà hoặc ra quán.
Các món đặc biệt: Vả, thịt luộc chấm tôm chua, gà kho ném, rau lang luộc chấm mắm đặc biệt.
Nếu may mắn, bạn sẽ được ăn cơm nhà tại Huế. Mình thuộc dạng may mắn hị hị.
Hôm đó mình được đãi món mít non luộc chấm ruốc (gần giống mắm tôm ngoài Bắc) mà cứ tưởng chả chay! Thịt ba chỉ luộc chấm tôm chua. Chà thịt luộc mềm ngon chấm mắm tôm chua lạ là bùi bùi, ăn vừa thanh vừa vừa miệng. Ngoài ra mình còn được ăn vả sống với rau sống. Quả vả (fig) cùng họ với sung, ăn rất bùi, có thể luộc lên làm gỏi vả trộn tôm thịt xúc bánh tráng ngon và lạ miệng.
Quả vả
Mình cũng may mắn được đi ăn hàng ở Huế ở nhà hàng cơm niêu. Các món nấu theo kiểu cơm nhà và cũng chả còn từ gì khác mà diễn tả ngoài ngon ơi là ngon :)).
Từ trái qua phải: muối sả dùng ăn với cơm, dưa muối chấm mắm ớt, ruốc để chấm cà muối
Khi bày, nhà hàng sẽ bày các loại dưa cà mắm muối trước. Ở Huế đặc biệt có muối sả dùng ăn với cơm rất ngon và bùi miệng vì có đậu phộng (lạc nữa). Nghĩ bảo chỉ ăn cơm với muối cũng được nữa kìa. Dưa chấm mắm và cà muối chấm ruốc.
Rau lang luộc chấm mắm ruốc pha đặc biệt
Ẩm thực Huế rất coi trọng các loại nước chấm. Ví dụ như rau dền, rau lang luộc thì chấm với nước mắm ruốc với tỏi, tôm rất lạ và ngon. Tớ chưa bao giờ thử nước chấm đó và người Huế nói rằng chỉ các loại rau đó chấm với nước chấm ấy mới ngon.
Một món nữa mình được thử là gà kho ném. Ném là củ kiệu (củ hành nhỏ) khô đặc biệt chỉ có ở miền Trung. Ném rất mắc. Ngoài chợ Đông Ba bán 70k/lon. Gà kho ném có vị thanh thơm dịu, rất tinh tế mà chỉ người tinh tế sành ăn mới nhận ra :">. Ném có nhiều công dụng: chà răng cho em bé, đuổi rắn...
Củ ném khô đã làm sạch
Để cho vui và giải khát thì các bồ có thể thử thêm bia Huda của Huế. Bia Huda là bia được sản xuất dựa trên công nghệ Đan Mạch nên tên Huda có nghĩa là Huế - Đan Mạch. Tuy nhiên, nói vui truyền miệng thì Huda có nghĩa là "Hãy uống đi anh" và thường được trả lời là "Anh đã uống hoài" (viết ngược của Huda).
Chi phí: tầm 100-150k/người nếu ăn tiệm
Địa điểm: nhà hàng cơm niêu Lửa Việt, 39 Nguyễn Thái Học
3-4h chiều: ăn các loại bánh
Phần lớn chúng ta đều đã biết đây là các loại bánh đặc biệt đặc trưng của Huế. Và cũng chỉ có khách du lịch (tourist) mới lùng sục tìm ăn món này :)). Các bạn teen Huế nói rằng họ cũng hiếm khi ăn món này, kiểu tháng một lần. Thế nên khi mình đến một quán bánh gọi là quán Tranh, quán vắng như chùa bà đanh. Vắng mà vẫn ngon. Quán chỉ hấp bánh khi bọn mình kêu món nên lúc mang ra nghi ngút khói, lá vẫn còn xanh, ăn tất nhiên là ngon :)).
Bánh béo chén và bánh nậm dễ ăn nhất chan nước chấm hơi ngọt ngọt.
Bánh béo chén
Bánh nậm
Bánh bột lọc (có tôm + thịt mỡ) thì chấm nước chấm mặn, đậm hơn. Ăn vậy mới ngon.
Bánh bột lọc
Ngoài ra quán còn có chả tôm ăn nóng hổi ngon nữa hihi.
Lưu ý: bánh khoái của Huế giống bánh xèo miền Nam nên nếu bạn đã thử bánh xèo thì không cần thử bánh khoái. Nem lụi chính là nem nướng, cũng không có gì đặc biệt.
Giá: 30-40k/dĩa bánh đủ cho 4 người ăn.
Địa điểm: Quán Tranh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm
7-8h tối: ăn ở nhà hoặc ăn bánh canh cá lóc/bánh canh cua rời.
Ôi cha. Bánh canh ở Huế mới ngon làm sao. Vào hàng bánh canh bạn sẽ phải lựa chọn giữa: bánh canh gạo hay bột lọc (sợi trong). Bánh canh ăn kèm với gì: lòng cá, cá hay là cua rời....
Sợi bánh canh gạo của Huế rất đặc biệt và ngon hơn hẳn trong Sài Gòn: ăn dai, giòn không bở như Sài Gòn. Vị nước cũng ngon hơn. Cá nhân mình thì thích bánh canh cá hơn là bánh canh cua rời. Ăn bánh canh sẽ chi có thìa mà không có đũa nhé các bồ. Ăn kèm với bột ớt hoặc ớt xay hoặc thích thì thêm tí chanh. Mùa lạnh ăn càng tuyệt vời.
Bánh canh cá lóc
Hình ảnh thái bánh canh thường thấy ở Huế
Nếu bạn là người thích mạo hiểm, hãy thử bánh canh lòng cá (thường gọi tắt là bánh canh lòng). Lòng cá được cắt thành khúc vừa ăn, giòn, ngon và lạ miệng. Ở ngoài Bắc không thấy ăn lòng cá chứ dưới miền Tây thì lòng cá lóc là đặc sản. Ở Sài Gòn khi đi ăn bánh canh Quảng Trị cũng sẽ có bánh canh đầu cá (có lòng cá) nhưng nó mỡ hơn và không giòn bằng ở Huế.
Bánh canh cua rời
Tiếc là lần này đi mình chưa được thử bánh canh Nam Phổ nổi tiếng (loại đặc biệt từ làng Nam Phổ) nhưng mà nghe nói bánh canh Cá lóc là ngon nhất rồi nên thôi để lần sau hihi.
Giá: tầm 15-20k/tô
Địa điểm: bánh canh trên đường Đinh Công Tráng hoặc Phạm Hồng Thái
9h tối: ăn chè/thạch
Người Huế rất nhã. Ăn xong là có chè ăn tráng miệng. Chè Huế cũng đã nức tiếng mọi nơi bởi sự đa dạng và sự lạ.
Lạ là ở chỗ ở Huế có chè heo quay: ngoài bọc bột ngọt, trong là miếng thịt heo quay nhỏ bằng một khúc ngón tay mặn mặn. Các viên heo quay được thả vô nước chè trong (gọi là đông sa) ngọt dịu. Ly chè cũng bé bé xinh xinh chỉ bằng ly uống nước trà vỉa hè ở Hà Nội. Món này thì cũng ăn cho biết chứ không ăn quen thì không quen vị được, thấy kỳ kỳ. Tuy vậy, nghe nói nấu món này hơi bị khó :D
Chè bột lọc heo quay. Hình sưu tầm trên mạng.
Ở Huế bạn sẽ thấy có món chè Hèm nổi tiếng nhưng trai xinh gái đẹp của Huế nói với tớ là người địa phương cũng ít khi đến đó mà ăn ở chỗ khác. Là chỗ tớ được giới thiệu :)). Thiệt may mắn, siêu may mắn. Quán này bán muộn đến tầm 10h tối vẫn còn.
Ngoài ra bạn mình còn đưa đến quán bán thạch soa (thạch trắng hoặc đen) ăn với nước dừa, đậu xanh ngọt ngọt thanh thanh bùi bùi mát mát. Rất là sướng. Sướng hơn là ly thạch giá chỉ 3k/ly hihihi
Thạch soa - ăn kèm với nước cốt dừa, nước đường, đường trắng và chút đậu xanh. Rất mát và ngọt dịu!
Giá: 7-20k/ly
Địa điểm: ăn bột lọc heo quay thì quán chè mợ Tôn Đích được mệnh danh là ngon nhất- ở ngã ba Đinh Tiên Hoàng và Trần Hưng Đạo (bán buổi chiều, hơi tối và khó tìm, quán vỉa hè), ngay cửa Thượng Tứ. Tớ ăn các chè khác như đậu xanh dừa, chè chuối cũng thấy ngon lắm. Hoặc quán chè Hẻm nổi tiếng thì ăn ban ngày được nhưng người Huế ít ăn chè ban ngày thì phải :D.
10h tối: Ăn đêm - ăn bún bò Huế nếu bạn là siêu nhân!
Có rất nhiều quán bún bò Huế mở muộn nên bạn cứ thoải mái mà mần. Ông Thần ăn nhà mình suốt ngày đói nên cứ 2 tiếng là phải ăn cái gì đó :)).
12h đêm: Ăn khuya - Bánh mì xíu mại đặc biệt - dành cho những người thích khám phá
Dân teen Huế đồn rằng chốn này là địa điểm tụ tập của dân đi bay, sau khi đi bar, club, uống bia về. Bọn tớ đến đó vào lúc tầm nửa đêm. Quán nằm ngay cạnh dưới chân cầu Trường Tiền. Gọi là quán cho sang chứ đó là gánh hàng rong không tên, ánh sáng le lói qua ngọn đền siêu tiết kiệm kiểu Phillips. Cố lắm mới chụp rõ được hình cô bán hàng cùng rổ bánh mì, chứ thịt thà và nước sốt không thấy. Hôm đó trời mưa mưa nên cô bán hàng dọn vào trong am trú, trông rất vương giả. Mình bảo quán vỉa hè của Huế mà trông cũng hoành quá. Đúng là vỉa hè ở cố đô :)).
Quán vỉa hè
Hàng đông. Trai gái phần lớn tuổi teen ngồi ăn. Nhiều trai xinh gái đẹp. Hội bọn tớ gồm 4 người gọi 4 bánh: bánh mì xíu (thịt), bánh mì thập cẩm. Chiếc bánh dài kiểu bình thường như bánh mì Sài Gòn, nhỏ kiểu bánh mì que nhưng to hơn một xíu, giòn nóng nóng. Ăn vô hơi ngọt nhưng mà ngon (bạn tớ bảo không ngọt. Có thể vì tớ là người nhạy đường). Có nhiều loại bánh bạn có thể gọi.
Ngồi đó còn thấy bà con gọi bánh mì sữa tức là thay vì chấm sữa thì bánh mì rạch ra, cho sữa vào lòng và cứ thế ăn! Ở Huế còn đặc biệt hơn là có bành mì bột lọc tức bánh mì kẹp bánh bột lọc :)). Các bạn khi nào đến thì thử ghé thăm nhé.
Giá: 7k/cái
Địa điểm: Bánh mì đêm ở chân cầu Tràng Tiền (bán từ 7-8h tối đến tận 2h sáng)
Vậy là kết thúc một ngày no đủ hihi. Ngày hôm sau có thể lặp lại ở những hàng khác nhau hoặc thử các món khác ví dụ như các loại canh cá mà ở Huế mới có (cá bống thệ, cá hành), gỏi vả tôm thịt, gỏi mít non trộn tôm thít, gân kiệu, đồ ăn chay, cháo hến, bánh ướt bún thịt nướng nổi tiếng Huyền Anh...Nói chung là thích thì thử thôi. Có người thổ địa dẫn đi thì tốt, còn nếu không mình nghĩ là gặp hàng nào thấy đông thì vô hàng đó thử và đừng ngại hàng vỉa hè. Vẫn ngon như thường!
Một số fun facts khác:
1. Ở Huế khi tính tiền bạn sẽ kêu "Dì ơi cho con tính tiền". Nghe thân thương hỉ :). Các cô bán hàng ai cũng xưng là dì hết :). Bà thì gọi là Mệ.
2. Ở Huế mọi người thích đi chợ hơn đi siêu thị
3. Ở Huế bói mới ra một hàng phở!
4. Ở Huế bạn sẽ không tìm thấy hàng ăn nhanh nào cả!
5. Mua quà mang về: tôm chua, gân kiệu, mắm dưa gang, ruốc (nấu canh thịt bò rất ngon hihi).
6. Nếu bạn thích ăn cay thì đồ Huế chưa phải là cay lắm hihi. Tớ ăn nhiều khi vẫn thấy thiếu cay.
7. Các hàng ở Huế đều nhỏ nhắn. Hàng vỉa hè cũng ngon. Mà hàng quán cũng ngon nên đừng bị diện mạo đánh lừa nhé.
No comments:
Post a Comment