Thursday, December 4, 2014

Đám cưới Ấn Độ


Mình yêu Ấn Độ.

Tình yêu của kẻ ngoài cuộc. Chỉ biết mình vẫn hay mặc đồ Ấn, ăn đồ Ấn, nấu đồ Ấn, pha trà Ấn, xem phim Ấn, nghe nhạc Ấn, yêu người Ấn và trò chuyện với các bạn Ấn Độ hàng ngày. Tác giả yêu thích của mình là Hồ Anh Thái và bác ấy là chuyên gia về Ấn Độ càng làm mình thấy đây là cái duyên trời định. Lẽ ngẫu dĩ, mình phải đi Ấn Độ.

Để dự đám cưới Ấn Độ.

Đó là những ngày đầu đông ở thủ đô New Delhi. Ban ngày trời nắng hanh, ban đêm lạnh co ro. Mình không bao giờ nghĩ Delhi lại lạnh đến thế vì nhắc đến Ấn Độ người ta chỉ nhắc tới mùa hè nước Ấn như trong câu hát của Katy Perry "You are like an Indian summer, in the middle of winter". Mình vẫn nhớ đêm giao thừa 31/12 đón Tết Tây ở Delhi, mình và Chun, cô bạn người Thái, co ro trong phòng tắm của một nhà khách kiểu cũ. Nước nóng phải bật công tắc lên mới có, hứng nước và tắm từ trong một cái xô sắt trong phòng, không có gì hơn. Cảm giác như mùa đông Hà Nội. Vừa tắm, nước nóng dội mà vẫn co ro vì gió lùa.

Đám cưới Ấn Độ đúng là một trải nghiệm. Cô dâu chú rể là hai người bạn học chung lớp MBA ở Mỹ mà mình rất quý. Chú rể theo đạo Hindu, cô dâu theo đạo Thiên Chúa nên các bạn cũng tổ chức đám cưới ở 2 nơi theo 2 phong cách khác nhau. Bọn mình chỉ tham dự được ở Delhi.

Trước lễ cưới

Trước lễ cưới chính, sẽ có một nghi lễ gọi là Sangeet - màn hai nhà gặp mặt ca múa hát và giới thiệu lẫn nhau, rất là đơn giản và tự nhiên. Tớ nghĩ nó giống như đám hỏi ở nhà mình vì nó được tổ chức tại nhà của chú rể. Sau màn ca hát thì cũng tới màn ăn uống. Mình thấy bố mẹ bạn mình, mặc dù đã cao tuổi mà vẫn nhảy nhiệt tình. Bọn mình cũng nhảy nhưng theo kiểu châu Á :)). Bữa đó thật là vui.







Chuẩn bị tham dự đám cưới

Đám cưới ở Ấn Độ là một ngành công nghiệp lớn, trong đó mình có thể nhìn thấy quy mô thông qua các bộ trang phục tham dự đám cưới. Để chuẩn bị tham dự, một người bạn cũng cùng lớp của bọn mình ở Delhi đã đưa mình và Chun đã đi tới các khu phố của Delhi để mua đồ chuẩn bị. Quá trình chuẩn bị mới gọi là vui. Bọn mình cần mua váy, giày và vòng trang sức tham dự.



Đầu tiên là mua váy. Váy dự đám cưới luôn phải có đính hạt cườm lung linh và đính bằng tay nên sẽ mắc. Đến chỗ nào cũng thấy lung linh mà hoa cả mắt. Váy càng nhiều cườm càng đắt và nặng. Giá một chiếc váy tham dự đám cưới có thể từ $500 lên tới vài ngàn đô. Như thế để thấy váy cô dâu nó đắt thế nào. Của chú rể chắc cũng tương tự. Bạn có thể mặc sari hoặc anakarli để tham dự đám cưới. Mình chọn anakarli (có váy + quần) vì không chịu nổi lạnh (sari bạn sẽ mặc giống như croptop ý nên rất lạnh).





Do không chịu nổi nhiệt nên bạn mình dẫn mình ra chợ bình dân để mua váy gọi là chợ Karol Bagh. May quá cũng chọn được chiếc váy giá tầm 1 triệu. Khi thử váy, người ta thấy mình rộng hay chật ở đâu sẽ sửa luôn trong vòng 30 phút. Trong quá trình thử, bọn mình cũng tiện đi mua luôn đôi hài để đi đám cưới vì hai đứa đều đi giày thể thao. Đi sắm giáy mới thấy cái đặc biệt là giày Ấn Độ không phân biệt trái phải :)). Chân nào đi vào cũng vừa. Bán rất nhanh mà mặc cả cũng kinh. Lúc nào các ông bán hàng cũng bảo bọn mình "Ladies, come!" (ý là mời vào) rồi gật nghiêng cái đầu một cái rất buồn cười.




Chợ chiều nhộn nhịp, khói lửa lên rất thơ mộng. Khói lửa ở đây là xung quanh họ đun chà chiều bán trên bếp than tổ ong. Tiếng Ấn gọi là chai. Chai được uống suốt ngày. Đi xung quanh Delhi bạn sẽ bắt gặp cảnh nấu trà ngay ngoài đường là bình thường. Chiều xuống, chợ bắt đầu đông, người người bắt đầu la hét. Có một ông cứ suốt ngày Daizo, Daizo mà bọn tớ không hiểu là gì nhưng lăn ra cười lăn lộn vì trùng tên với một bạn người Nhật trong đoàn. Hóa ra có nghĩa là 250 (kiểu giá rẻ) :)). Xung quanh màu sắc úa ra khiến mọi thứ đều tươi tắn từ rèm cửa cho tới quần áo. Chỉ có người là đen. Dân Ấn Độ phần lớn là người da nâu và đen. Phần ở phía Bắc như Delhi thì da sáng hơn chút xíu. Người Ấn đúng là thích da trắng, chả thế mà một hãng mỹ phẩm đã có một campaign đặt tên hẳn là my fair lady.






Trong lúc chờ sửa váy, bọn tớ đi tới một hàng khác để mua vòng tay. Ui chao bao nhiêu là vòng, bao nhiêu kiểu màu sắc. Anh bán hàng hỏi bọn tớ là váy bọn tớ màu gì rồi đưa ra kiểu màu phối hợp luôn cho bọn tớ chọn. Sau đó ông đó đo tay và đưa ra hộp vòng gồm 40 cái cho 2 tay, mỗi tay 20 cái rất đẹp mà giá cũng rẻ. Bọn tớ rất sung sướng. Tới tận bây giờ mình vẫn giữ lại bộ váy đó và dự định bao giờ Halloween sẽ mặc lại :).







Đám cưới

Đám cưới ở Delhi là đám cưới truyền thống, được tổ chức vào buổi tối, ngoài trời và được căng bạt có thể chứa được 1000 người! Khác với Việt Nam, đám cưới được tổ chức ăn buffet và uống rượu bia thoải mái (free flow) như kiểu quầy bar.






Đến đêm cưới, chú rể cưỡi ngựa trắng tới để tham dự. Thật đúng như truyện cổ tích 1001 đêm.Sau đó cô dâu bước vô và hai người cùng ngồi vô chung một cái chòi có thầy làm lễ và ba mẹ hai bên. Khách tham dự đám cưới sẽ ngồi xung quanh ở bên ngoài theo hình vuông, sưởi ấm cạnh những cây lửa đặt cạnh. Ai thích ngồi xem thì xem, ai thích nói chuyện thì nói chuyện ở các chòi khác. Thầy làm lễ nói tiếng Phạn cổ, kéo dài cũng lâu. Cô dâu chú rể thỉnh thoảng sẽ phải thực hiện một số nghi lễ như kiểu bước qua lửa hay là trói khăn trùm đầu của chú rể vào áo cô dâu. Đó là lần đầu tiên mình được xem nghi lễ như vậy nên thấy cũng khá thú vị. Chứ nhìn mặt chú rể bạn mình, có thể thấy cậu ấy hình như không được kiên nhẫn cho lắm :)).







Sau phần lễ chính cô dâu chú rể thành vợ chồng thì tới tiết mục chụp hình và ăn uống và chúc tụng như bình thường. Cũng có màn đi phong bì bình thường :)).

Sự hoành tráng của đám cưới Ấn Độ được thể hiện vào quy mô và trang phục của cô dâu chú rể, khách tham dự và trang trí của đám cưới. Cô dâu chú rể sẽ ngồi vào ghế bành kiểu như đế vương để chụp hình. Cô dâu sẽ mặc trang phục đẹp nhất có thể, được trang điểm kỹ càng nhất, đeo trên mình các loại trang sức đẹp nhất. Trong đó bạn để ý sẽ thấy cô dâu luôn đeo rất nhiều vòng ở 2 bên tay cùng với bindi ở trên trán. Tay và chân cô dâu sẽ được vẽ henna rất cầu kỳ. Henna càng giữ trên tay lâu thì càng hạnh phúc. Khách tham dự cũng sẽ được vẽ henna lên tay nếu muốn hoặc có thể tự chuẩn bị.

Mình và bạn mình cũng đi vẽ henna để cho có dáng. Đó là một tục lệ rất vui. Henna thực ra là phẩm màu tự nhiên từ cây cỏ, được đựng trong ống như kiểu ống bánh nhân choux kem rồi nghệ nhân vẽ lên. Khi đến vẽ, bạn có một cataloge để chọn hoa văn henna cho riêng mình. Vẽ xong, bạn phải để tay khô và giữ tư thế gập vuông trong vòng hơn 10 phút. Sau khi màu vẽ đã khô, bạn bôi dầu mè lên tay đều và sau đó rửa sạch với nước thì hennai mới giữ được lâu dài. Henna có thể giữ lâu đến hơn 10 ngày. Về đến Việt Nam, khi henna đã mờ, nhiều người nhìn tay mình qua tưởng bị phỏng mà không dám hỏi sợ con bé tủi thân :)).





Nghĩ lại mình thật may mắn vì được mời tham gia và chăm sóc chu đáo trong suốt thời gian tham dự lễ cưới. Bạn mình đặt phòng khách sạn, thuê tài xế cho mình để tham dự, dẫn mình đi tham quan Delhi, mua sắm và ăn uống. Đó đều là những người Ấn mà mình biết: nhiệt tình, tốt bụng và hay nói hay cười :).




Chuyến đi Ấn vẫn còn tiếp tục xuyên qua vùng tam giác vàng - Golden Triangle: Delhi - Agra và Jaipur. Chỉ có 2 người con gái cùng ông lái xe đi xuyên suốt trong vòng 7 ngày giữa thời điểm vụ hiếp dâm nổi tiếng toàn cầu ở Delhi lên cao với biểu tình và giới nghiêm trung tâm thành phố. Đó là một câu chuyện dài kỳ. Sẽ kể sau nhé :)

1 comment:

  1. This comment has been removed by a blog administrator.

    ReplyDelete